7 nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ trẻ tuổi
Bệnh tim mạch ngày càng phổ biến, nhất là ở phụ nữ. Có một số yếu tố có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ. Cùng Tip Hay tìm hiểu nhé!
Theo thống kê của Hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) vào năm 2023 cho biết, có đến gần 45% phụ nữ trẻ tuổi từ khoảng 20 tuổi trở lên đang mắc các căn bệnh liên quan đến tim mạch. Cùng Tip Hay tìm hiểu một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở nữ giới trẻ tuổi qua bài viết sau nhé!
1
Chu kỳ kinh nguyệt
Một nghiên cứu ở 55.000 phụ nữ dưới 50 tuổi ở Mỹ cho kết quả rằng, người thường xuyên bị đau bụng kinh nguyệt nặng có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim cao hơn so với người bình thường. Những cơn đau bụng kinh nặng có thể kéo dài từ 1-2 ngày, khiến phụ nữ không thể sinh hoạt dễ dàng như bình thường.
Ngoài ra, theo tiến sĩ Alleva là người thực hiện nghiên cứu trên cho biết việc xảy ra tình trạng đau bụng kinh có liên quan đến dấu hiệu viêm và căng thẳng tăng cao, dễ làm tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch hơn.
2
Quá trình mang thai
Khi mang thai, nhu cầu lượng máu tăng cao đến hơn 45% nhất là vào 3 tháng cuối thai kỳ, điều này sẽ gây áp lực cho tim của phụ nữ mang thai, khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.
Ngoài ra, trong quá trình chuyển dạ và sinh con cũng gây những gánh nặng cho tim bởi những thay đổi lớn về máu và áp lực. Chính vì vậy càng khiến cho phụ nữ dễ mắc bệnh về tim mạch hơn hoặc người đang mắc bệnh có nguy cơ bệnh nặng hơn.
Một số bệnh trong thai kỳ như tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp, tiền sản giật,...được cho là có thể gây mắc bệnh tim mạch sau này.
3
Dùng biện pháp tránh thai nội tiết
Các biện pháp tránh thai chứa estrogen ở nồng độ cao có thể làm tăng khả năng hình thành cục máu đông, nhất là ở những phụ nữ có dấu hiệu béo phì, hút thuốc lá, tiểu đường.
Các cục máu đông là nguyên nhân hàng đầu gây mắc các bệnh tim mạch bởi chúng sẽ làm tắc động mạch vành gây nhồi máu cơ tim, thiếu máu, tắc động mạch não, đột quỵ,...
Hiện nay các biện pháp tránh thai chứa estrogen có thể kể đến như thuốc uống, miếng dán, vòng âm đạo, thuốc tiêm, cấy ghép.
4
Hóa trị hoặc xạ trị trong ung thư vú
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho biết, người mắc bệnh ung thư vú có nguy cơ mắc bệnh và tử vong vì bệnh tiêm mạch rất cao, thậm chí cao hơn nguy cơ tử vong vì ung thư vú.
Nguyên nhân là vì các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị có thể ảnh hưởng đến tim, tăng nguy cơ bị suy tim cấp lên cao hơn so với người bình thường.
5
Mắc hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang hình thành các nang nhỏ trong buồng trứng là do sự mất cân bằng của nội tiết tố trong cơ thể, phổ biến ở phụ nữ trẻ đang trong độ tuổi sinh sản.
Một nghiên cứu ở 170.000 bé gái ở Mỹ, từ 13 đến 17 tuổi cho biết, người mắc hội chứng này có nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao cao hơn 30% so với người không mắc bệnh.
6
Trầm cảm và căng thẳng kéo dài
Khi tinh thần luôn trong tình trạng căng thẳng kéo dài là nguyên nhân khiến tuyến thượng thận sản xuất ra nhiều hormone Cortisol để chống lại căng thẳng. Tuy nhiên, hormone này cũng gây tăng huyết áp, nhịp tim tăng và tăng gánh nặng hơn cho tim.
Ngoài ra, căng thẳng cũng làm gia tăng nguy cơ bị viêm, tổn thương mạch máu, gây tích tụ mảng bám ở động mạch.
7
Rối loạn tự miễn dịch
Phụ nữ là đối tượng dễ mắc các bệnh lý liên quan rối loạn tự miễn dịch như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp cao hơn so với nam giới.
Trong khi đó các bệnh lý liên quan rối loạn tự miễn dịch có thể làm tăng quá trình tích tụ xơ vữa động mạch và nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch khác.
Trên đây là 7 yếu tố có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý về tim mạch cao hơn ở phụ nữ. Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích, giúp bạn biết rõ nguyên nhân và cách phòng tránh nhé!
Nguồn: Kenh14.vn