7 điều cha mẹ nên lưu ý trước khi cho con tắm biển trong hè này
Để giúp con có một mùa hè vui tươi và mạnh khỏe, cha mẹ nên lưu ý 7 điều sau trước khi cho con tắm biển trong hè này.
Tắm biển là một trong những hoạt động vui chơi không thể thiếu nhất trong mỗi dịp hè. Thế nhưng, để đảm bảo an toàn và sức khỏe, Tip Hay sẽ điểm qua cho các cha mẹ 7 điều cần lưu ý trước khi cho con tắm biển trong hè này nhé!
1
Giai đoạn trẻ có thể tắm biển
Đối với các bé nhỏ dưới 1 tuổi, các cha me nên hạn chế cho con đi tắm biển vì ở thời điểm này, da của con còn non và chưa đủ khỏe mạnh, khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời gay gắt thì dễ bị tia tử ngoại và hồng ngoại làm tổn thương, thậm chí nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến căn bệnh ung thư.
Đồng thời, cha mẹ cũng không được cho con đi tắm vào giữa trưa hoặc những khi thời tiết quá nóng. Do ở các trẻ nhỏ, hệ thống điều hòa thân nhiệt chưa hoàn thiện đầy đủ như người lớn, khiến bé không kịp thích nghi với sự thay đổi đột ngột nhiệt độ ngoài trời, từ đó dẫn đến một số căn bệnh nguy hiểm như cảm, đau đầu, tụt huyết áp,...
2
Chuẩn bị đồ đi biển cho trẻ
Theo ICRC - Tổ chức Chữ thập đỏ tại Mỹ, chuyển động của sóng ngay cả ở khu vực nước nông vẫn có thể khiến ta đứng không vững, gây mất thăng bằng cũng như ẩn chứa những nguy cơ khó lường khác. Vì thế, bạn cần chuẩn bị cho bé 1 chiếc phao hoặc áo phao đi biển, phòng trường hợp có sóng đánh mạnh đột ngột vào bờ.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần mua cho bé kem chống nắng, kem dưỡng da loại dành cho trẻ nhỏ, đồng thời cần bôi cho con trước 15 - 30 phút khi đi ra ngoài và bôi lên sau mỗi 2 tiếng. Ngoài ra, bạn cũng cần trang bị một số phụ kiện chống nắng khác cho bé như kính, mũ,... và một bình nước để phòng trường hợp nắng gắt làm bé bị khát nước.
3
Không để con chôn chặt chân trong cát
Ngâm vùi chân xuống cát có thể là một trong những trò chơi được nhiều bạn nhỏ yêu thích nhất khi đi chơi biển. Tuy nhiên, chính trò chơi tưởng chừng đơn giản này sẽ rất dễ khiến trẻ bị bong gân, thậm chí là tình trạng chấn thương rất nghiêm trọng.
Bởi, xương và các cơ chân của con lúc này còn khá yếu, khi vùi chân vào cát sẽ khiến con dễ bị mắc kẹt, khi gặp một số tình huống tệ hại, nguy hiểm như sóng lớn đánh tới thì có thể gây khó khăn trong việc di chuyển của con, từ đó dẫn đến một số hậu quả nguy hiểm không ai mong muốn.
4
Dạy trẻ cách quay mặt ra biển
Các cơn sóng biển bất ngờ có thể đánh ngã trẻ và khiến bé bị sặc nước nếu như trước đó con không có sự đề phòng. Chính vì thế, các cha mẹ nên dạy con cách đứng quay lưng lại với bãi cát, mặt hướng về phía biển để luôn trong trạng thái chuẩn bị tinh thần, biết giữ thăng bằng mỗi khi có sóng xô tới.
5
Thời gian cho trẻ tắm biển
Dù là ở độ tuổi sơ sinh hay đã lớn hơn một chút, các cha mẹ không nên cho con tắm biển trong khoảng thời gian từ 11h00 đến 15h00 chiều, đồng thời tuyệt đối không được cho con phơi mình trước gió biển hay tắm biển quá 2 tiếng/ngày. Bởi khi ngâm mình quá lâu, con sẽ rất dễ bị nhiễm lạnh, từ đó gây ho, sổ mũi hay thậm chí là bị viêm phổi…
Ngoài ra, việc tắm biển quá lâu cũng sẽ làm bé bị mất sức, từ đó có thể gặp phải những tình trạng như chuột rút, đuối nước… không đáng có. Bên cạnh đó, để tránh trường hợp bé say nắng, các cha mẹ nên sử dụng kem chống nắng bổ sung vitamin A, vitamin E cho trẻ, giúp bảo vệ da bé khỏi sự tấn công của tia UV và các căn bệnh nguy hiểm khác.
6
Chú ý những con sứa khi tắm biển
Những con sứa ẩn mình trong dòng biển hoặc nhiều màu sắc sẽ rất dễ thu hút trẻ và khiến con muốn tiếp xúc với chúng. Tuy nhiên, được xem là một trong những loại sinh vật biển nguy hiểm nhất, cha mẹ cần phải để con tránh xa các xúc tu của các loài sứa này, tránh việc bé bị chích và nhiễm độc tố từ xúc tu, dẫn đến một số dấu hiệu nguy hiểm.
Thông thường, độc tố của sứa thường sẽ bắt đầu phát tán sau 10 - 15 phút, khiến bé ban đầu chỉ thấy ngứa, rát, nổi mẩn đỏ,... Thế nhưng, với những độc tố nặng hơn, con có thể bị sốc phản vệ, đau đầu, tức ngực, tụt huyết áp, tim đập nhanh, khó thở,... Lúc này, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện cấp cứu nhanh chóng để giúp con được chữa trị kịp thời.
7
Chú ý những dòng chảy xa bờ
Dòng chảy xa bờ là một luồng nước chảy mạnh theo hướng vuông góc từ bờ đi ra biển. Tuy kích thước của dòng chảy này khá nhỏ, thế nhưng tốc độ cực đại của dòng có thể lên đến 2m/s, khiến chúng có thể cuốn trôi người đang tắm biển ra xa khoảng 120 trong vòng 1 phút, khiến hầu như không có ai có thể bơi ngược trở lại để vào bờ.
Chính vì thế, theo khuyến nghị của cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, cha mẹ nên kiểm tra dự báo thời tiết tại địa phương thường xuyên trước khi đưa bé đi chơi biển, đồng thời chọn những khu vực tắm càng gần nhân viên cứu hộ càng tốt và có thể hỏi họ về tình hình khu vực tắm biển nếu bạn không chắc chắn.
Ngoài ra, một dấu hiệu để cha mẹ nhận biết dòng chảy xa bờ đó là tại khu vực mình đang tắm, phần cát ở dưới chân lún xuống rất nhanh, chứng tỏ chúng đang chịu tác động của dòng chảy xa bờ. Khi đó, bạn cần nhanh chóng đưa con và cả gia đình mình rời khỏi khu vực đó.
Trên đây là 7 điều cha mẹ nên lưu ý trước khi cho con tắm biển trong hè này. Hy vọng với bài viết trên của Tip Hay, các cha mẹ sẽ giúp con mình có một mùa hè thật thú vị sảng khoái, đồng thời cũng luôn được mạnh khỏe, vui tươi và nhiều kỷ niệm nhé!