6 sai lầm thường gặp khi trị nhiệt miệng khiến bệnh lâu khỏi hơn
Nhiệt miệng tuy không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhưng gây khó chịu, đau rát, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Tìm hiểu 6 sai lầm thường gặp khi trị nhiệt miệng khiến bệnh lâu khỏi.
Nhiệt miệng nếu được chữa trị đúng cách sẽ sớm khỏi, thế nhưng đa số mọi người đều mắc phải những sai lầm thường gặp khi trị nhiệt miệng khiến bệnh lâu khỏi hơn. Cùng tìm hiểu một số sai lầm để khắc phục ngay nhé.
1
Quan niệm nhiệt miệng là nóng trong
Có một quan niệm phổ biến mà nhiều người cho rằng nhiệt miệng là do bị nóng trong người. Do đó, nhiều người cho rằng việc uống nước mát hoặc sử dụng thuốc giải độc gan là đủ để chữa trị bệnh.
Tuy nhiên, nhiệt miệng có nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm di truyền, lo âu, căng thẳng, suy giảm miễn dịch, thay đổi nội tiết tố, thức ăn và tổn thương niêm mạc miệng do chấn thương, tự cắn hay thực hiện các thủ thuật nha khoa.
Vì vậy, chỉ sử dụng thuốc giải độc gan hoặc ăn thực phẩm giải nhiệt có thể không đủ để chữa trị nhiệt miệng, thậm chí còn có thể làm cho bệnh kéo dài hoặc lan rộng hơn.
2
Bỏ qua không điều trị
Theo thông tin được đăng tải trên trang báo Sức khỏe & Đời sống cho biết, mặc dù nhiệt miệng là một vấn đề phổ biến và có tính chất lành tính, tuy nhiên, việc xem nhẹ việc điều trị và tự chấp nhận sống chung với vết loét đau đớn không phải là giải pháp tốt.
Nếu không được điều trị kịp thời, nhiệt miệng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, bao gồm viêm cấp và tấy đỏ vết loét, gây đau đớn và khó chịu. Ngoài ra, nhiệt miệng cũng có thể gây sốt và nổi hạch tại góc hàm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và gây khó khăn trong việc ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.
Do đó, việc điều trị nhiệt miệng là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng và đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
3
Dùng thuốc không có nguồn gốc xuất xứ
Nhiều người khi gặp phải tình trạng nhiệt miệng muốn thoát khỏi vết loét khó chịu nên đã tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc và các biện pháp khác để tự điều trị. Tuy nhiên, việc này có thể khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn và gây bội nhiễm cho miệng.
Sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc có thể làm cho tình trạng bệnh không khỏi hoặc còn trở nên nặng hơn. Do đó, việc chữa trị nhiệt miệng cần được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho sức khỏe của người bệnh.
4
Tự ý dùng kháng sinh
Kháng sinh có thể được sử dụng trong điều trị nhiệt miệng, tuy nhiên, loại thuốc, liều lượng và cách sử dụng phải được điều chỉnh phù hợp với từng trường hợp bệnh, lứa tuổi và thể trạng của người bệnh.
Việc sử dụng kháng sinh một cách vô tội vạ có thể gây tổn thương gan. Do đó, chỉ sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho sức khỏe của người bệnh.
5
Chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý
Để điều trị nhiệt miệng hiệu quả, chế độ ăn uống và sinh hoạt là yếu tố quan trọng không thể bỏ qua. Việc tiêu thụ đồ ăn cay nóng, chất kích thích, thức uống có cồn, đồ ăn quá mặn hoặc quá ngọt sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi, mất ngủ, căng thẳng... từ đó tăng nguy cơ tổn thương niêm mạc miệng, làm bệnh lâu khỏi hơn.
Do đó, nên ăn uống điều độ, tránh những thực phẩm có tính nóng, kích thích cơ thể, uống đủ nước để giúp cơ thể giải độc và hạn chế stress để tăng cường hệ miễn dịch.
6
Sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc
Có nhiều loại thuốc tại chỗ được sử dụng trong trị nhiệt miệng, bao gồm nước súc miệng chứa benzydamine và gel nha khoa salicylate cholinem, thuốc gây tê dạng kem hoặc gel bôi tại chỗ, thuốc corticoid, thuốc sát trùng và nhiều loại khác.
Tuy nhiên, sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc này có thể gây ra các phản ứng nguy hiểm. Vì vậy, cần điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và sử dụng thuốc được chỉ định và an toàn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có các vấn đề sức khỏe khác, đang dùng thuốc hoặc có tiền sử dị ứng.
Hy vọng với những thông tin về 6 sai lầm thường gặp khi trị nhiệt miệng khiến bệnh lâu khỏi hơn sẽ giúp ích cho bạn nhé, cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.
Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống