5 tuyệt chiêu dùng máy sấy loại bỏ mùi hôi quần áo dễ dàng, hiệu quả
Máy sấy quần áo đóng vai trò như một “trợ thủ đắc lực" trong mỗi gia đình. Không chỉ giúp làm khô quần áo nhanh chóng, mà còn tiết kiệm nhiều thời gian.
Tuy nhiên có những tình huống khiến bạn phiền lòng, chẳng hạn như quần áo sau khi sấy bị bám mùi hôi. Hương thơm từ nước xả vải đã biến mất chỉ còn đọng lại mùi khó chịu, ẩm mốc trên quần áo.
Hôm nay Bách Hóa XANH sẽ đồng hành với bạn để tìm ra nguyên nhân và những tuyệt chiêu giúp loại bỏ ngay những mùi hôi “cứng đầu" trên quần áo nhé!
1
Nguyên nhân khiến quần áo có mùi hôi khi dùng máy sấy
Sử dụng nhiệt độ sấy cao
Chúng ta thường nghĩ rằng sấy quần áo ở nhiệt độ cao sẽ tiết kiệm thời gian. Thực tế, cách này khiến quần áo nhanh xù lông, bay màu và không giữ được mùi thơm. Dù sử dụng nước xả vải, nhưng khi tác động nhiệt cao sẽ làm các liên kết hóa học trong hạt hương thơm dễ bị đứt gãy và bay hơi.
Không vệ sinh theo định kỳ
Rất ít người quan tâm đến việc vệ sinh máy sấy. Trong quá trình sử dụng, lồng sấy dễ tích tụ nhiều bụi bẩn và vi khuẩn ở lưới lọc. Kèm theo là đường ống thải nước đọng lại những chất bẩn chưa thoát hết. Đây là điều kiện để nấm mốc phát triển và mang theo mùi hôi trở ngược vào lồng sấy.
Không sử dụng máy trong thời gian dài
Với những mùi hôi bám vào lồng sấy lâu ngày cùng với việc không sử dụng máy thường xuyên sẽ là cơ hội cho vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi. Khi dùng máy sấy, bạn chắc hẳn sẽ không thể tránh khỏi những mùi hôi nồng bám trụ trên quần áo.
2
5 cách khiến quần áo thơm lâu
Điều chỉnh thời gian và nhiệt độ
Trước hết, bạn nên phân loại quần áo và điều chỉnh nhiệt độ, thời gian sấy phù hợp với từng chất liệu. Đây là cách giúp giữ được độ bền màu và hương thơm cho những loại quần áo khác nhau.
Các loại vải dày, vải cotton nên sử dụng nhiệt độ sấy cao. Với quần áo từ vải tổng hợp thì phù hợp với nhiệt độ sấy trung bình. Riêng các món đồ mềm hoặc đồ lót nên điều chỉnh sấy ở nhiệt độ thấp.
Hiện nay các loại máy sấy trên thị trường đã cập nhật tính năng “Làm mới quần áo". Khi chỉnh chế độ này, quần áo sẽ được sấy ở nhiệt độ vừa phải kết hợp không khí lưu thông giúp đánh bay mùi hôi khó chịu.
Kiểm tra và vệ sinh máy sấy
Hãy ngắt kết nối nguồn điện để đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn. Đầu tiên, bạn pha ít nước giặt và 2 lít nước cho vào từ từ xung quanh lồng sấy. Sau đó, cắm điện và bật chế độ sấy nhẹ từ 30-45 phút. Cuối cùng, lấy khăn lau khô bên trong lồng sấy. Bạn có thể thay thế nước giặt bằng chanh hoặc giấm và thực hiện các bước tương tự như trên.
Vệ sinh lồng sấy cũng giúp ống nước thải được làm sạch. Cách này hạn chế tình trạng mùi hôi của chất bẩn bị tắt nghẽn trở ngược vào trong máy sấy.
Bảo dưỡng máy sấy định kì
Bạn nên duy trì thói quen bảo dưỡng hoặc vệ sinh máy tối thiểu 3 tháng/lần. Đối với những người sử dụng máy sấy thường xuyên nên thực hiện kiểm tra 1 tháng/lần để đảm bảo không có mùi hôi bên trong máy.
Sử dụng giấy thơm khi sấy
Giấy thơm là sự kết hợp hoàn hảo khi dùng chung để sấy quần áo. Không những giúp cho chất liệu vải trở nên mềm và thơm tho, mà còn làm giảm cảm giác giật điện nhẹ khi lấy quần áo ra khỏi lồng sấy.
Không để quần áo lâu trong lồng sấy
Khi hoàn tất quá trình sấy, bạn cần lấy quần áo ra ngay. Nhiệt độ nóng sau khi sấy kết hợp với nắp đậy kín sẽ dễ dàng sinh ra những mùi hôi và khiến quần áo dễ bị nhăn nhúm hay loang màu.
Hy vọng những tuyệt chiêu mà Bách Hóa XANH chia sẻ có thể giúp bạn tìm được phương pháp sấy đồ đảm bảo mùi hương được lưu giữ lâu trên quần áo. Cảm ơn bạn đã theo dõi!