5 thói quen xấu của trẻ cần uốn nắn trước khi trẻ lên 6 tuổi
Trẻ em có rất nhiều thói quen xấu mà bố mẹ cần phải dạy bảo, như 5 thói quen xấu dưới đây cần uốn nắn trước khi trẻ lên 6 tuổi để trẻ có tính cách tốt hơn nhé.
Trẻ em như tờ giấy trắng, nên tính cách của trẻ sẽ được hình thành từ từ theo thời gian thông qua quan sát và học hỏi từ những người lớn xung quanh. Nhưng trẻ em không thể phân biệt được những điều sai và đúng, do đó sẽ có những thói quen không tốt cần bố mẹ chỉnh sửa lại. Như 5 thói quen xấu dưới đây cần được bố mẹ uốn nắn trước khi trẻ lên 6 tuổi, hãy cùng Tip Hay tìm hiểu ngay nhé!
1
Xem tivi thỏa thích, nghiện trò chơi điện tử
Trẻ em vốn rất thích xem tivi, bị thu hút bởi những bộ phim hoạt hình và chương trình thiếu nhi. Ngày nay, còn có sự xuất hiện của những thiết bị công nghệ điện tử như điện thoại, ipad, máy tính đã tăng thêm sự hấp dẫn với trẻ qua những trò chơi. Nếu bố mẹ không kiểm soát, trẻ sẽ dần có thói quen xấu là nghiện tivi, điện thoại,...
Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến thị lực, sức khỏe, thể chất và trí tuệ của trẻ, mất sự tập trung vào những việc cần làm. Chính vì lý do này, các bố mẹ cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những món đồ trên bằng cách tạo sự hứng thú cho trẻ thông qua những hoạt động vui chơi ngoài trời, đọc sách và sáng tạo ra những trò chơi phát triển trí não cho trẻ tham gia,...
2
Cha mẹ gọi nhưng trẻ không phản hồi gì
Khi cha mẹ nói trẻ hay kêu trẻ làm một việc gì đó nhưng không nhận lại được hồi đáp thì hãy nhanh chóng sửa ngay cho bé. Vì khi để tình trạng này diễn ra thường xuyên trong thời gian dài, trẻ sẽ ngày càng lười biếng, vô kỷ luật, không nghe lời và khi trẻ lớn sẽ rất khó điều chỉnh lại thói quen xấu này.
Để cải thiện được thời quen xấu này, bố mẹ nên giảm bớt những lời cằn nhằn, trách móc hay than vãn với trẻ, không nên can thiệp quá nhiều khi trẻ làm một việc gì đó. Ví dụ như khi trẻ đi giày nhưng loay hoay không biết đi thì bố mẹ có thể chỉ dẫn cho trẻ học cách đi giày đúng cách, kiên nhẫn quan sát trẻ tự làm để trẻ học được cách đi giày.
Khi trẻ không bị chen ngang hay bị phàn nàn về một việc đang làm, sẽ có tâm lý thoải mái và cởi mở hơn với bố mẹ để tìm cách giải quyết chúng. Bằng cách này, trẻ sẽ học được kỹ năng tự phục vụ bản thân, tôn trọng bố mẹ và không hình thành nên thời quen phớt lờ mọi lời nói, yêu cầu của bố mẹ.
3
Nói không ra ngô ra khoai
Trong giai đoạn trẻ mới tập nói, trẻ có thể bị nói ngọng, nói lắp, nói ngược hay sử dụng sai từ,... Khi này bố mẹ cần phải điều chỉnh lại cho trẻ để sửa kịp thời những lỗi này, tránh hình thành nên thói quen để khi lớn lên sẽ gặp trở ngại trong giao tiếp với mọi người xung quanh.
Các chuyên gia ngôn ngữ cho biết những trẻ nói ngọng, nói ngập ngừng, cha mẹ càng sửa sớm càng tốt. Trong cuộc trò chuyện, bố mẹ hãy tập cho trẻ kỹ năng lắng nghe, không chen ngang hay ngắt lời người khác khi đang nói. Để tập cho trẻ sửa đổi những lỗi này, bố mẹ cần phải tập lắng nghe trẻ.
Bằng cách này, bố mẹ sẽ xây dựng được cho trẻ kỹ năng nói chuyện lưu loát, tự tin, rành mạch. Dù bận công việc nhưng bố mẹ hãy cố gắng dành thời gian nói chuyện và chơi với trẻ, hay kể những câu chuyện cho trẻ nghe, khuyến khích trẻ đọc nhiều sách để nâng cao khả năng giao tiếp của mình.
4
Nói to ở nơi công cộng
Một vài tính cách xấu của trẻ em sẽ được bộc lộ khi đến những nơi công cộng, vì trẻ em luôn “mượn” những nơi đông người để nũng nịu và đòi hỏi một số điều ở bố mẹ mình. Khi này bạn sẽ nhìn thấu được một đứa trẻ được nuôi dạy như thế nào. Vì lý do đó, bố mẹ nên dạy trẻ một số quy tắc và phép lịch sự, xã giao khi đi ra ngoài.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng phải là người làm gương cho con mình khi đi ra ngoài. Vì trẻ em khi còn nhỏ sẽ quan sát và học theo những gì mà người lớn làm. Vì vậy, bố mẹ hãy dùng hành động của mình để truyền tải những điều nên làm và đúng đắn nhất cho trẻ học hỏi theo.
5
Làm việc chậm chạp, hay trì hoãn
Mỗi đứa trẻ đều có tốc độ hoàn thành công việc khác nhau. Nhưng có những đứa trẻ lại có thói quen làm gì cũng lề mề, chậm chạp trong mọi việc hay thậm chí là trì hoãn, không quan tâm đến thời gian hoàn thành công việc. Do đó, bố mẹ nên quan sát để điều chỉnh cho trẻ thói quen xấu này, tránh gây ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
Để cải thiện được thói quen xấu này bố mẹ hãy thử áp dụng phương pháp sử dụng đồng hồ báo thức, đồng hồ đếm giờ để trẻ nhận thức được thời gian cần hoàn thành công việc. Từ đây, bố mẹ có thể giúp trẻ xây dựng thời gian biểu hợp lý, cùng trẻ đặt ra các mốc thời gian để thực hiện công việc cần làm, xây dựng cho trẻ tính kiên trì và nhanh nhạy về thời gian. Nếu trẻ chưa biết xem đồng hồ thì bố mẹ hãy chỉ cho bé nhé!
Như vậy, Tip Hay đã cùng bạn tìm hiểu về 5 thói quen xấu của trẻ cần uốn nắn trước khi trẻ lên 6 tuổi rồi nhé! Hy vọng bài viết trên sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích trong việc nuôi dạy và giáo dục trẻ đúng cách.
Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam