4 sai lầm bố mẹ thường mắc khi thực hiện bữa ăn bổ sung cho trẻ
Bố mẹ có đang mắc những sai lầm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé khi thực hiện bữa ăn bổ sung? Cùng Tip Hay tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Có rất nhiều quan điểm phổ biến nhưng sai lầm gây ảnh hưởng đến thói quen lựa chọn thực phẩm và nấu ăn cho bé. Cùng Tip Hay điểm qua một số sai lầm bố mẹ thường mắc phải khi cho con ăn bữa ăn bổ sung ngay trong bài viết sau đây nhé!
1
Không cho trẻ ăn các loại rau xanh
Quan điểm thường thấy ở các bà mẹ khi cho trẻ ăn dặm là chỉ lấy nước luộc rau dùng quấy bột và tránh ăn các loại rau xanh, rau củ vì lo sợ trẻ bị rối loạn tiêu hóa cũng như e ngại thực phẩm bẩn. Một số bố mẹ còn lo lắng về hàm lượng nitrat có có trong rau sẽ dễ gây ra methemoglobin huyết - chứng bệnh khiến da bàn tay, bàn chân, miệng trẻ đổi màu xanh lam và bị khó thở. Một số loại rau chứa nitrat cao có thể kể đến như rau bina, củ dền, cà rốt,..
Song, đây thực chất là một quan điểm sai lầm. Rau xanh, rau củ là loại thực phẩm vô cùng thiết yếu đối với sức khỏe con người. Bên trong các loại rau chứa hàm lượng chất xơ cao - “chiến binh” giúp bảo vệ hệ tiêu hóa một cách mạnh mẽ. Bên cạnh đó, rau xanh còn giúp hạn chế táo bón, ngăn ngừa nguy cơ béo phì và bảo vệ hệ tim mạch khỏe mạnh. Các khoáng chất như sắt, kali, vitamin A, vitamin C,.. có trong nhiều loại rau của là những hợp chất không thể thiếu đối với cơ thể con người.
Trên thực tế, những vấn đề mà bố mẹ lo lắng khi cho trẻ ăn rau là không vô lý. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nên tránh hoàn toàn việc bổ sung rau vào bữa ăn bổ sung của con. Những loại rau có chứa nitrat chỉ gây hại cho sức khỏe nếu bố mẹ cho con sử dụng quá nhiều, quá thường xuyên hoặc không đúng độ tuổi. Một nghiên cứu vào năm 2005 đã chứng minh rằng hàm lượng nitrat trong rau củ chủ yếu tác động tiêu cực đến trẻ đang trong độ tuổi bú sữa mẹ (dưới 3 tháng tuổi).
Vậy nên, thay vì loại bỏ hoàn toàn rau xanh ra khỏi thực đơn cho bữa ăn bổ sung của trẻ, hãy cho trẻ ăn theo một cách khoa học và hợp lý, chọn lựa địa điểm mua rau có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo tươi sạch để bố mẹ vừa được an tâm, trẻ vừa có thể bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho sự phát triển.
2
Hạn chế sử dụng dầu mỡ
Dầu mỡ luôn là một trong những thành phần được các phụ huynh “tránh xa” hết sức có thể mỗi khi nấu món ăn bổ sung cho trẻ. Các ông bố bà mẹ luôn cho rằng dùng nhiều dầu, mỡ sẽ khiến trẻ khó tiêu, chướng bụng hay tiêu chảy. Đây là một quan điểm sai lầm vì dầu, mỡ thực chất là các chất cần thiết giúp bé phát triển ở độ tuổi ăn dặm.
Các loại dầu ăn như dầu cá, dầu thực vật,.. hoặc những sản phẩm như bơ, mỡ, pho mát,.. là nhóm thực phẩm giúp bổ sung chất béo thiết yếu đối với cơ thể. Trên thực tế, dầu ăn thuộc vào nhóm chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung năng lượng, hỗ trợ hình thành mô mỡ với chức năng điều hòa thân nhiệt cũng như cải thiện quá trình hấp thụ một vài loại vitamin nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi và còn đang bú sữa mẹ, lượng chất béo có trong sữa cần chiếm khoảng 50% năng lượng. Trẻ ở độ tuổi ăn dặm cần lượng chất béo đảm bảo trong khoảng 40 - 45% khẩu phần ăn đồng thời cần nạp lượng chất béo từ dầu ăn khá cao. Trẻ dưới 1 tuổi cần khoảng 40% năng lượng từ chất béo và khoảng 30 - 35% đối với trẻ 1 tuổi. Theo ước tính, 1gr dầu ăn chứa đến 9 kcal - một nguồn cung chất béo dồi dào và không thể thiếu dành cho cơ thể.
Hơn nữa, ở giai đoạn đầu đời, tốc độ phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ là vô cùng mạnh mẽ. Nếu lượng chất béo của cơ thể bị thiếu hụt sẽ khiến quá trình phát triển gặp nhiều bất lợi, chức năng của các cơ quan trong cơ thể không thể phát triển hoàn thiện, nhất là hệ thần kinh. Vậy nên, việc bổ sung dầu, mỡ vào thực đơn ăn dặm một cách đúng liều lượng là điều vô cùng cần thiết.
3
Tập cho trẻ ăn cơm quá sớm
Phần lớn các ông bố bà mẹ giữ quan điểm cho trẻ tập ăn cơm sớm để giúp con nhanh cứng cáp, khỏe mạnh, chóng biết đi, biết nói,.. Tuy nhiên, việc con phát triển tốt không phụ thuộc vào thời gian bắt đầu tập ăn cơm sớm hay muộn. Trên thực tế, việc cho trẻ ăn cơm quá sớm còn gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa vì phải hoạt động quá sức do trẻ thường chỉ nuốt mà không nhai.
Đối với trẻ trong giai đoạn 2 năm đầu đời, nguồn dinh dưỡng lớn và quan trọng nhất đến từ sữa mẹ. Khi trẻ chuyển sang ăn cơm, lượng sữa cần thiết để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển bị sụt giảm mạnh do cơm khiến bụng con luôn trong trạng thái no, không còn đói sữa. Nguy cơ tiềm ẩn suy dinh dưỡng khi cho trẻ nhỏ dưới 16 tháng tuổi tập ăn cơm là rất cao. Theo thống kê tại Trung tâm Dinh dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh, có đến 60% trẻ em suy dinh dưỡng xuất phát từ nguyên nhân tập ăn cơm quá sớm.
Các chuyên gia tại đây chia sẻ rằng, trong giai đoạn trẻ tập ăn bổ sung (trẻ tròn 6 tháng tuổi - 180 ngày tuổi) cần cho trẻ thời gian tập thích nghi, học cách nhai, đảo và nuốt thức ăn trong miệng. Nên cho trẻ ăn mỗi lần 2 - 3 muỗng nhỏ/lần và mỗi ngày 2 lần, tập ăn trong khoảng tối thiểu 1 tuần. Quá trình tập ăn nên bắt đầu từ ít đến nhiều, thức ăn loãng đến đặc, mềm đến cứng giúp bé làm quen dễ dàng hơn, lượng thức ăn cũng có thể tăng dần theo thời gian thích nghi của trẻ.
Mỗi bữa ăn của con đầu đảm bảo về cả chất lượng lẫn số lượng và dựa trên độ tuổi, thể chất. Bố mẹ cần cho con ăn đầy đủ dưỡng chất, đa dạng thực phẩm tươi sạch mỗi ngày, giữ cho bữa ăn của con luôn đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng chính gồm: Chất đạm, chất béo, tinh bột cùng vitamin/khoáng chất. Các dụng cụ ăn uống của trẻ phải luôn được rửa sạch và nên để riêng, quá trình nấu ăn cũng cần được đảm bảo an toàn vệ sinh, tránh gây hại đến sức khỏe của trẻ.
4
Bổ sung chất dinh dưỡng không hợp lý
Dựa trên thông tin dinh dưỡng từ Tháp dinh dưỡng được Viện Dinh dưỡng Quốc gia cung cấp, những dưỡng chất cần thiết trong mỗi bữa ăn của trẻ gồm 4 nhóm chất:
- Đường bột (Thường từ các loại ngũ cốc)
- Chất béo
- Chất đạm
- Vitamin và khoáng chất
Trong đó, nhóm chất béo đảm nhận vai trò là nguồn cung năng lượng thiết yếu cho quá trình hoạt động cũng như giúp cơ thể duy trì sự sống. Chất béo có mặt trong hầu hết cấu trúc của các mô và màng tế bào, hỗ trợ hình thành mô mỡ với chức năng điều hòa thân nhiệt và là nguồn dự trữ năng lượng vô cùng quan trọng cho cơ thể. Đặc biệt, chất béo giúp tạo các hormone giới tính (estrogen, testosterone), acid mật, tham gia vào đa số phản ứng sinh hóa, đảm nhận nhiệm vụ làm màng lọc tế bào.
Thêm vào đó, lượng chất béo có trong dầu ăn còn giữ vai trò là dung môi giúp hòa tan vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin K,... hỗ trợ cơ thể hấp thụ dễ dàng, làm trung gian chuyên chở những phần tử dinh dưỡng,.. Vai trò của chất béo đối với sự phát triển của cơ thế là không thể phủ nhận, nhất là đối với thai nhi, trẻ ăn dặm. Trẻ con có độ tuổi càng nhỏ, nhu cầu về chất béo càng cao.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh còn giữ quan niệm sai lầm rằng trẻ chỉ cần bổ sung càng nhiều chất sẽ càng tốt, sử dụng thức ăn cho hàm lượng đạm cao giúp ích cho sự phát triển. Phần lớn bố mẹ lựa chọn cho con hấp thu chất đạm qua các loại nước hầm mà loại bỏ đi phần cái vì sợ trẻ hóc xương, hạn chế ăn trứng để tránh đầy bụng, không ăn tôm, cua vì lo ngại tiêu chảy, ho, dị ứng,.. mà quên rằng còn có các loại thực phẩm giàu đạm, dễ dùng như các loại đậu, mè - nguồn cung đạm thực vật có lợi cho sức khỏe.
Trên đây là những sai lầm mà bố mẹ thường mắc phải khi cho trẻ ăn bữa ăn bổ sung mà Tip Hay muốn gợi ý đến bạn. Nếu bạn đang gặp phải những sai lầm trên hãy nhanh chóng điều chỉnh để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con nhé!
Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống - Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế.