3 đối tượng trẻ nhỏ cần cảnh giác với tình trạng thiếu kẽm
Kẽm là một trong những khoáng chất cần thiết với sức khỏe của trẻ nhỏ. Cùng tìm hiểu 3 đối tượng dễ bị thiếu kẽm nhất để giúp mẹ chăm sóc con tốt hơn.
Trẻ nhỏ thiếu kẽm có thể ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng, phát triển bình thường, dễ bị bệnh hơn. Do đó, bố mẹ cần biết đến các dấu hiệu cơ thể thiếu kẽm ở trẻ nhỏ để kịp thời phát hiện, bổ sung dinh dưỡng phù hợp cho bé.
Dưới đây là 3 nhóm đối tượng trẻ nhỏ rất hay bị thiếu kẽm mà các phụ huynh nên quan tâm.
1
Trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn
Ở những tháng đầu đời, trẻ nhỏ được khuyên chỉ nên bú sữa mẹ là có thể đủ nước, đủ dinh dưỡng để phát triển. Tuy nhiên, khi trẻ từ 7-12 tháng tuổi, lượng nhu cầu kẽm ngày càng tăng cao, nếu trẻ chỉ bú sữa mẹ thì không thể đáp ứng được đủ lượng khuyến nghị hằng ngày.
Do đó, với trẻ lớn từ 7-12 tháng tuổi, ngoài bú sữa mẹ ra thì đã có thể cho trẻ ăn dặm với các thực phẩm giàu kẽm như thịt bò, thịt heo, thịt gà, ngũ cốc,...
2
Trẻ bổ sung sắt lâu dài không đúng cách
Nếu phụ huynh bổ sung cho trẻ một lượng lớn chất sắt sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất kẽm. Do đó, cha mẹ không nên bổ sung thêm thuốc, viên uống sắt cho trẻ khi chưa được bác sĩ kê toa, chỉ định nhé.
Tốt nhất nên tham khảo lời khuyên của bác sĩ, bổ sung sắt giữa các bữa ăn để giảm thiểu ảnh hưởng đến việc hấp thụ kẽm của cơ thể.
3
Trẻ kén ăn, ăn chay
Những trẻ kén ăn, không chịu ăn thịt, hải sản hoặc ăn chay theo cha mẹ là đối tượng cũng rất dễ bị thiếu kẽm. Hơn nữa, những thực phẩm như đậu, phylate cũng sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thụ kẽm của cơ thể trẻ.
Do đó, đừng nên để trẻ ăn chay quá sớm khi còn nhỏ vì có thể gây thiếu kẽm và nhiều chất dinh dưỡng trầm trọng, gây ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường.
Trên đây là 3 nhóm đối tượng trẻ nhỏ rất dễ bị thiếu kẽm mà các phụ huynh nên quan tâm. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp các bạn chăm sóc con của mình tốt hơn!
Nguồn: Báo Phụ nữ số