2 bộ phận của cây đậu biếc chứa độc tố cần thận trọng tránh xa
Bên cạnh nhiều công dụng tốt cho sức khỏe thì bạn cũng cần cẩn thận với 2 bộ phận chứa độc tố của cây đậu biếc sau nhé.
Trong y học, cây đậu biếc chứa nhiều chất anthocyanin giúp chống oxy hóa, ngăn ngừa bệnh ung thư, giảm lo âu và an thần. Tuy nhiên, có 2 bộ phận của cây đậu biếc bạn cần tránh xa. Tip Hay sẽ mách bạn 2 bộ phận cần thận trọng khi sử dụng cây đậu biếc.
1
2 bộ phận của cây đậu biếc chứa độc tố
Theo Thạc sĩ Lê Thanh Bình công tác tại Đại học Dược Hà Nội, rễ và hạt là hai bộ phận chứa nhiều độc tố của cây đậu biếc. Rễ cây đậu biếc thường được điều chế làm thuốc tẩy, thuốc xổ, thuốc trị côn trùng cắn. Khi ăn phải rễ đậu biếc sẽ có vị chát đắng và dễ gây buồn nôn, khó chịu.
Bên cạnh đó, khi ăn phải hạt đậu biếc, bạn sẽ gặp một số triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy và đối với trẻ em có thể bị ngộ độc nghiêm trọng. Tuy nhiên, tại một số quốc gia trên thế giới, khi dùng đúng liều lượng thì rễ và hạt cây đậu biếc có thể giúp giải nhiệt cho cơ thể.
2
Những lưu ý khi dùng hoa đậu biếc
Người trưởng thành và khỏe mạnh chỉ nên uống trà hoa đậu biếc khoảng 1 - 2 ly mỗi ngày tương đương 5 - 10 bông và 1 - 2g hoa khô. Đối với trẻ em thì chỉ nên uống khoảng 4 bông hoa
Theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Hữu Minh chuyên khoa ngoại thần kinh ung bướu, trong hoa đậu biếc chứa nhiều chất anthocyanin có thể làm tăng lưu thông máu, co bóp tử cung nên hạn chế sử dụng đối với phụ nữ hành kinh, mang thai và một số bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền mạn tính.
Chỉ nên pha trà hoa đậu biếc ở nhiệt độ từ 75 - 90 độ C vì khi nhiệt độ quá cao sẽ ảnh hưởng đến vị trà và nếu quá nguội thì tinh chất trong trà sẽ không tiết ra được. Trà hoa đậu biếc chỉ là thức uống hỗ trợ cải thiện sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Trên đây là chia sẻ của Tip Hay về 2 bộ phận của cây đậu biếc mà bạn cần tránh xa. Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân thì bạn không nên tùy tiện dùng rễ và hạt của cây đậu biếc nhé.
Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam