13 cách làm sạch đồ dùng bằng gỗ chỉ với nguyên liệu có ngay trong nhà
Hẳn bạn đã không ít lần đau đầu với cách làm sao làm sạch đồ gỗ trong nhà mà không làm ảnh hưởng chất liệu. Hãy cùng tìm hiểu cách giải quyết với bài viết dưới đây nhé!
Trước khi lau chùi bạn cần hiểu rõ chất liệu gỗ của đồ vật ở nhà là gì để áp dụng lau chùi đúng cách:
Bề mặt gỗ hở thì phải tránh không được để bị ướt và nên đổ thuốc tẩy ra vải trước, không được đổ trực tiếp lên bề mặt gỗ.
Bề mặt véc ni khá nhạy cảm với nước, bạn nên lau chùi thông thường bằng một miếng vải hơi ẩm, đừng quên xử lý các vết bẩn cứng đầu kĩ càng với dung dịch thuốc tẩy.
Sáp cần loại chất tẩy rửa gỗ dạng xà phòng – luôn chọn những sản phẩm chuyên dụng phù hợp, đúng mục đích.
Nếu đồ gỗ của bạn được bao phủ bằng lớp sơn, thì bạn có thể dùng loại nước rửa bát thông thường để lau chùi một cách dễ dàng.
1
Lau sạch đồ gỗ bằng dầu Paraffine hoặc bia
Một cách thông dụng khác rất được ưa chuộng là dùng bia, lấy một tẩm vải mềm thấm bia hay dầu paraffine chà lên mặt gỗ để xóa đi các vết bẩn lâu ngày. Nếu dùng dầu paraffine bạn cần lưu ý là khi vừa khô nên chùi lại bằng dầu thông với vải thường để đánh bóng độ sáng như mong muốn.
2
Làm sạch đồ gỗ không đánh vec-ni
Bạn pha sẵn một dung dịch theo công thức sau: 10g muối + 90g thuốc tẩy + 1 lít nước. Sau đó, quét lớp nước này lên mặt gỗ, bạn có thể sử dụng chổi bằng be dừa vừa vặn với tay cầm. Đợi một lúc cho dung dịch thấm vào lớp gỗ trơn rồi bạn rửa lại một lượt bằng nước lã và lau khô ngay.
Cách khác, bạn pha giấm với nước theo tỷ lệ 1:3 rồi chấm dung dịch này lên gỗ. Tiếp theo bạn dùng vải mềm thấm nước trà tươi hoặc trà xanh đặc lau chùi vài lần, đồ gỗ nhà bạn sẽ sáng lên trông thấy.
3
Tẩy vết ố trên đồ gỗ
Trên đồ gỗ cũng thường xuất hiện những vết dơ do vết trà, nước ngọt, vết dầu loang,… Bạn hãy cho vài giọt dầu ăn vào sáp ong trắng, sau đó đem chưng cách thủy đến khi sáp chảy ra quyện vào dầu. Lấy hỗn hợp này chà mạnh lên vết bẩn, vết bẩn sẽ nhanh chóng được làm sạch.
Cách khác là bạn hãy trộn bột gạo hay bột mì với dầu ăn rồi đánh cho thật quánh đặc, thoa lên chỗ bẩn rồi chùi lại bằng nước sạch.
4
Lau sạch đồ gỗ bằng nước trà
Bạn hãy pha một bình nước trà to và thật đậm đặc, để nguội. Sau đó dùng vải mềm nhúng nước trà và lau mạnh trên bề mặt gỗ từ 2 - 3 lần.
5
Tẩy mùi sơn bằng sữa bò
Đem sữa bò đun sôi đổ vào đĩa hoặc bát, để vào trong ngăn tủ mới quét sơn, đóng kín cánh cửa tủ lại. Sau khoảng 5 tiếng đồng hồ, mùi sơn sẽ biến mất hoàn toàn.
6
Dùng nước muối để rửa đồ mây, tre
Dùng nước muối để lau rửa đồ bằng mây, tre dùng lâu ngày bị tích tụ bụi bẩn vừa làm sạch đồ vật vừa giúp chúng trở nên mềm mại và tăng độ dẻo dai.
7
Cách xử lý đồ gỗ màu trắng bị vàng
Đồ gỗ màu trắng khi bị ố vàng trông thật khó coi, nhưng nếu bạn dùng thuốc đánh răng bột (hoặc kem đánh răng) để lau, tình trạng này sẽ được thay đổi đáng kể. Nhưng cần chú ý, khi thao tác không nên dùng sức quá mạnh, nếu không sẽ làm hỏng lớp bóng của sơn bên ngoài đồ dùng, khiến cho kết quả hoàn toàn ngược lại.
8
Loại bỏ các vết cháy trên bề mặt sơn đồ gỗ
Đầu thuốc lá, tàn thuốc lá hay que diêm chưa tắt hẳn không may bị rơi lên bàn làm việc , có khi để lại vết cháy. Nếu chỉ là cháy trên mặt sơn, bạn có thể quấn một lớp vải sợi mịn cứng vào đầu que tăm, lau nhẹ tay vào vết cháy, sau đó bôi lên lớp cháy một lớp nến mỏng, vết cháy sẽ bị xoá đi.
9
Xoá các vết xước trên bề mặt sơn đồ gỗ
Nếu đồ gỗ trong nhà bị xước (nhưng chưa ảnh hưởng đến lớp gỗ bên trong), bạn có thể dùng nến màu cùng với mặt sơn của đồ gỗ bôi lên bề mặt đồ gỗ lấp đi màu gỗ bên dưới, sau đó dùng sơn móng tay không màu quét lên một lớp là được.
10
Xoá vết nến trên đồ gỗ
Khi dầu nến rớt trên mặt đồ gỗ, bạn không được dùng dao sắc hoặc móng tay để cạo vì sẽ làm trầy xước bề mặt. Thay vào đó hãy dùng một mảnh nhựa mỏng, 2 tay nắm chặt tỳ lên miếng gỗ nhựa (nilông) lau dầu từ ngoài hướng vào trong, sau đó dùng khăn mềm lau sạch là được.
11
Xử lý lớp dán trên bề mặt đồ dùng bị rộp
Bước 1: bạn dùng dao sắc thuận theo chiều vân gỗ rạch một đường, sau đó dùng ống phun, phun keo vào trong vết rạch rồi dùng tay ấn nhẹ vào vết rộp.
Bước 2: bạn dùng khăn ướt lau sạch keo tràn ra bên ngoài. Rồi dùng một vật nặng, lớn hơn vết rộp phồng đè lên chỗ rộp. Để tránh trường hợp sau khi đè vật nặng lên vẫn còn keo tràn ra làm bẩn bề mặt lớp dán, bạn có thể lấy lớp ni lông mỏng trải ở giữa lớp dán và vật nặng. Như vậy, bề mặt lớp dán phẳng lại như cũ.
12
Tẩy vết cáu nước trên đồ gỗ
Nước đọng trên bề mặt đồ gỗ, nếu không lau khô ngay sẽ để lại vết nước khó tẩy. Đối với vết cáu nước này bạn dùng vải ướt che lên trên, sau đó dùng bàn là, là cẩn thận vài lần lên khăn ướt, vết cáu nước gặp nóng sẽ bốc hơi lên và mất đi.
13
Làm sáng lớp vec-ni trên gỗ
Mách bạn thêm cách để lấy lại vẻ sáng bóng như mới bạn hãy dùng một ít sữa lau trên lớp vec-ni, để khô rồi lấy bàn chải nhúng nước lã lau sạch. Sau khi dùng sữa lớp vec-ni trên gỗ nhà bạn sẽ cứng và bóng hơn trước. Tuy nhiên hãy lau sạch, tránh để sữa vương lại, vì sữa thu hút côn trùng như kiến, gián…
Lưu ý về cách bảo quản đồ gỗ
- Thường xuyên lau chùi bụi bẩn bám lên đồ gỗ bằng chổi lông mềm
- Không để đồ gỗ dưới ánh nắng trực tiếp hoặc đặt ở vị trí ẩm ướt.
- Hãy chắc chắn luôn thử trước mọi loại thuốc tẩy mà bạn chuẩn bị dùng trên một diện tích nhỏ và khuất để yên tâm rằng sẽ không gây ra hư tổn nào!
Mỗi tháng bạn nên dùng chất làm sạch gỗ dạng dung dịch xịt lên các vật dụng bằng gỗ trong nhà. Trước khi đồ gỗ có dấu hiệu ố bẩn, bạn hãy chủ động đánh bóng, chùi rửa là cách đánh bật vết bẩn hữu hiệu nhất.
Không lau đồ gỗ bằng nước bởi sức chịu nước đơn thuần của gỗ không cao.