10 thói quen của cha mẹ tưởng chừng vô hại nhưng có thể làm hư trẻ em
Người ta nói “trẻ em là tấm gương phản chiếu của người lớn”. Vì vậy, hãy điểm qua 10 thói quen của cha mẹ tưởng chừng vô hại nhưng có thể làm hư trẻ em nhé!
Hành động được lặp lại trong thời gian dài sẽ trở thành thói quen và ảnh hưởng đến quá trình hình thành tính cách của mỗi người, đặc biệt là trẻ em. Tuy vậy, có nhiều thói quen của cha mẹ, tưởng chừng là vô hại nhưng mỗi ngày đều ảnh hưởng tiêu cực đến con mình. Cùng Tip Hay điểm qua để biết cách phòng tránh nhé!
Người lớn là tấm gương phản chiếu của trẻ nhỏ
1
Sử dụng đồ uống không lành mạnh
Tuyệt đối, bạn đừng nên sử dụng những thức uống không lành mạnh (rượu, bia, cà phê…) hoặc nhờ những đứa trẻ đi lấy thứ này cho mình. Vì như vậy chúng sẽ tò mò tìm hiểu cũng như sẽ bắt chước hành động của bạn nếu bạn thực hiện hoặc nhờ vả chúng quá nhiều lần.
Thói quen phổ biến của những người lớn là thường sử dụng cà phê để tỉnh táo và rượu bia để thư giãn sau khi làm việc mệt mỏi. Thay vào đó, bạn có thể xây dựng lối sống tích cực lành mạnh và kêu gọi cả gia đình tham gia như: Chạy bộ, tập yoga, đi bơi...còn rất nhiều hoạt động tích cực vừa thư giãn vừa tốt cho sức khỏe đấy!
2
Sử dụng đồ điện tử quá nhiều
Thời đại số hóa ở hiện tại, thiết bị điện tử giúp ích được rất nhiều tuy vậy nó cũng tồn tại song song những tác hại tiềm ẩn với hậu quả khôn lường. Việc bạn thấy những đứa trẻ 2-3 tuổi cầm chiếc điện thoại thông minh là chuyện không phải hiếm gặp và những đứa trẻ lớn hơn dành nhiều giờ hàng ngày chỉ để xem video và chơi game.
Đây là một thói quen cực kỳ xấu, ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ nhỏ về sức khỏe và tâm lý như: Tiếp xúc với những hiện tượng, nội dung tiêu cực, giảm thị lực, ảnh hưởng đến kết quả học tập....Vì vậy, phụ huynh cần có những quy định về việc sử dụng thiết bị điện tử tích cực dành cho mình (làm gương) và trẻ nhỏ, tránh cho chúng sử dụng quá sớm hoặc quá nhiều.
3
Thường xuyên cãi nhau, tranh luận
Việc nuôi dưỡng cảm xúc cho trẻ là việc hết sức quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ nhỏ. Người lớn nên học cách bình tĩnh trong việc nhìn nhận và giải quyết vấn đề. Tránh để trẻ nhỏ nghĩ rằng cách tốt nhất để giải quyết một việc gì đó là tranh cãi nếu cha mẹ có thói quen như thế thường xuyên trước mặt con mình.
Mặc dù có nhiều việc khiến kể cả người bình tĩnh nhất cũng khó có thể kiềm chế cảm xúc và lối thoát duy nhất có câu chuyện chính là tranh cãi. Tuy vậy, nếu phải chọn như thế bạn nên tránh mặt trẻ nhỏ và đảm bảo chúng không phải nhận “ké” những cảm xúc tiêu cực đó bạn nhé.
4
Quyết định thay tất cả mọi việc
Với câu nói “nó còn nhỏ để tôi quyết định” của các bậc phụ huynh và thay chúng quyết định tất cả mọi việc từ nhỏ đến lớn thì khi lớn lên chắc chắn những đứa trẻ sẽ thụ động trong mọi việc, không dám quyết định bất cứ điều gì trong cuộc sống kể cả những quyết định trọng đại của bản thân mình.
Mặc dù còn nhỏ nhưng bạn cũng có thể tập cho trẻ hình thành tính cách chủ động bằng những việc nhỏ như gợi ý, gợi mở về một vấn đề/câu chuyện nào đó như: Hôm ăn gì hay mặc gì?; Có thích ăn cái này không?; Muốn cái màu này hay màu kia?...Tuy nhiên là những việc nhỏ như thế thôi bạn nhé vì trẻ vẫn chưa đủ tư duy để quyết định những chuyện lớn đâu đấy.
5
Nói xấu, chỉ trích
Nói xấu đồng nghiệp, chỉ trích hàng xóm là những thói quen cực kỳ xấu mà chắc chắn rằng bạn cũng không mong muốn con mình sẽ hình thành tính cách này khi đứa trẻ trưởng thành. Nếu như bậc phụ huynh có những thói quen này sẽ hình thành tính cách dè chừng, soi mói và phán xét người khác ở con cái, dĩ nhiên đây là một thói quen không hề tốt tí nào.
Phụ huynh nên dạy cho những đứa trẻ của mình nhìn nhận sự việc một cách tích cực đừng quá tiêu cực trong mọi chuyện để soi mói, xem xét tất cả mọi thứ. Ngoài ra, bạn có thể rèn luyện cho trẻ cho đức tính này bằng cách nói chuyện, lắng nghe những chia sẻ của trẻ nhỏ nhiều hơn thông qua đó bạn còn có thể dạy trẻ về cách biết ơn, cảm nhận chung không vụ lợi ích kỷ.
6
Không biết nhận sai
Chắc hẳn bạn đã quen thuộc với tình huống khi trẻ nhỏ vấp ngã, các bậc phụ huynh liền đổ tội cho đồ vật xung quanh đó. Đứa trẻ sẽ nín khóc ngay tuy bạn có thể giải quyết ngay vấn đề đó nhưng bạn sẽ không biết nếu bạn cứ thực thi hành động này trong thời gian dài thì trẻ em sẽ hình thành tính đổ tội đấy.
Bạn có thể chỉ ra sai lầm của trẻ nhỏ và đưa ra những hướng dẫn để sau này tránh lặp lại lỗi và nếu lặp lại thì hướng giải quyết sẽ như thế nào bằng những lời nhẹ nhàng, tích cực. Bên cạnh đó, nếu người lớn mắc phải lỗi cũng phải nhận lỗi ngay trước mặt con mình, không được lờ đi bạn nhé!
7
Quá chú trọng bề ngoài và vật chất
Việc chú trọng vẻ bề ngoài là một việc không xấu nhưng chỉ nên dừng lại ở mức đủ, việc bạn quá chú trọng bề ngoài lẫn vật chất sẽ hình thành tính cách tương tự ở những đứa trẻ của bạn. Có thể tính cách này sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực như không hài lòng bản thân, coi thường và ganh đua với người khác...
Thay vì như thế, bạn nên chia sẻ với những đứa trẻ về những giá trị tích cực và hữu ích trong đời sống, vừa đủ đã là hạnh phúc. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể rèn luyện thêm những thói quen tích cực cho gia đình như chạy bộ, tản bộ, đọc sách...giúp nâng cao tinh thần và tích cực trong cuộc sống.
8
Cạnh tranh mọi thứ
Khái niệm “con nhà người ta” ngày càng phổ biến và ghim vào tư tưởng của cha mẹ lẫn con cái. Các bậc phụ huynh nên tâm lý bỏ đi khái niệm này mà thay vào đó nên động viên cổ vũ bằng những câu cổ động “con có thể làm được” hay những lời khen ngợi “con làm như thế là tốt rồi” để những đứa trẻ được cảm thấy được chia sẻ bạn nhé!
Đừng đặt thành tích, cạnh tranh thứ hạng lên hàng đầu, bạn nên biết khả năng tốt nhất của con mình và chia sẻ với chúng về những giá trị đích thực sau những việc con mình đã nỗ lực, cố gắng hoàn thiện vì không đạt được kỳ vọng thì chúng chính là người buồn nhất chứ không phải chúng ta bạn nhé!
9
Không dạy trẻ đồng cảm
Những đứa trẻ vô cảm thực sự là những đứa trẻ đáng thương nhất thế giới, bởi trong quá trình hình thành và nhận thức những đứa trẻ này không được học cách cảm nhận tình yêu, chia sẻ và đồng cảm với mọi người. Chúng xem mọi người, mọi việc đều phục vụ cho lợi ích của mình đừng để đứa trẻ nhà mình trở thành như thế bạn nhé!
Bạn nên dạy cho những đứa trẻ nhà mình cách đồng cảm, chia sẻ lợi ích, niềm vui lẫn những khó khăn với những người khác bằng những hành động đơn giản nhất như: Cảm ơn khi nhận được quà vật, thưa hỏi những người lớn tuổi hơn hay chia sẻ quần áo với trẻ em vô gia cư, biết bộc lộ những cảm xúc thương cảm…
10
Làm hết mọi việc nhà
Bạn sợ trẻ vấp té, sợ phải va vào những vật nguy hiểm...Nên mọi việc trong nhà “một tay mẹ lo hết”. Nhưng nếu bạn muốn tốt cho đứa trẻ của mình thì hãy tập cho bé làm những việc nhỏ nhẹ, vừa sức để tránh hình thành thói quen lười biếng và ỷ lại bạn nhé!
Nếu bạn đã tạo “đà” từ khi bé còn nhỏ thì khi lớn lên đôi chút, bé sẽ chủ động chia sẻ với bạn những việc như: Tự xếp đồ của mình, dọn bàn ăn, dọn phòng...để bạn đỡ phải cực nhọc hơn và bé cũng học được tính trách nhiệm, tính hỗ trợ và siêng năng.
Tham khảo thêm:
Ngày Trẻ em Thế giới 20/11: Ý nghĩa, chủ đề
Vậy là Tip Hay đã liệt kê ra 10 thói quen của cha mẹ tưởng chừng vô hại nhưng có thể làm hư trẻ em. Các bạn hãy tham khảo và tìm cách phòng tránh để cho trẻ em được phát triển tốt nhất bạn nhé!
Nguồn: Chuyên trang Gia đình và Xã hội - Báo điện tử Sức khỏe và đời sống